Những dấu hiệu của bệnh trĩ

Bệnh trĩ là căn bệnh khá phổ biến, liên quan mật thiết đến đám rối tĩnh mạch ở vùng cuối trực tràng và hậu môn. Khi đám rối tĩnh mạch vùng cuối trực tràng và hậu môn bị phình hoặc giãn ra do một nguyên nhân nào đó sẽ gây nên căn bệnh này. Nó là một loại bệnh của mạch máu tĩnh mạch, thuộc bệnh ở tổ chức mô do chất lượng mô tĩnh mạch kém.

Có 2 loại trĩ là trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội là bệnh do chịu lực nén bên trong, có chiều hướng sung huyết, chảy máu, gây cảm giác đầy trực tràng sau khi đại tiện và đôi khi bị sa (trĩ bị đẩy qua lỗ hậu môn). Nguy hiểm hơn, trĩ ngoại tạo thành cục máu đông, có thể gây chảy máu, viêm và đau dữ dội…

Bệnh nhân mắc trĩ thường đi khám và điều trị rất muộn sau nhiều năm do tâm lý e ngại: vì bệnh ở vùng kín đáo nên người bệnh thường ngại nhất là phụ nữ; tâm lý chủ quan: ban đầu, bệnh thường có những biểu hiện không thường xuyên như dính ít máu tươi ở giấy vệ sinh, đau rát ngứa sau khi đi cầu, đại tiện khó. Các hiện tượng này thường thoảng qua và ít gây khó chịu nên rất hay bị phớt lờ.

Bệnh trĩ khi đã nặng khiến chất lượng cuộc sống của bạn bị ảnh hưởng. Nhiều người âm thầm chịu đựng. Nhưng khi đến bệnh viện, tổn thương thường quá lớn nên các phương pháp điều trị nhỏ ít xâm lấn không còn tác dụng mà phải áp dụng những phương pháp điều trị lớn, xâm lấn nhiều hơn và dĩ nhiên sẽ đau. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh là một cách giúp người mắc bệnh có nhiều cơ hội chữa khỏi bệnh.

1. Những biểu hiện của bệnh trĩ

- Đau rát hậu môn: Là biểu hiện đầu tiên và thường gặp nhất. Người bệnh có cảm giác đau rát hậu môn khi đại tiện, đặc biệt khi bị táo bón hoặc khi bị tiêu chảy. Trong và sau đại tiện cơn đau sẽ kéo dài thêm vài giờ đồng hồ nữa hoặc ở mức độ nặng hiện tượng này có thể kéo dài âm ỉ thường dai dẳng.

- Đại tiện ra máu: Là dấu hiệu thứ hai gặp phải với các biểu hiện như xuất hiện máu dính trên phân, máu nhỏ giọt hoặc thành tia và đôi khi thấy máu dính trên giấy lau. Chảy máu ở những người bệnh trĩ kèm theo táo bón thường gặp khá phổ biến. Tùy theo mức độ bệnh của mỗi người mà tình trạng đại tiện ra máu với số lượng và tần suất ít nhiều khác nhau. Hiện tượng chảy máu có khi còn xuất hiện khi vận động mạnh, ngồi ở tư thế xổm khi trĩ nội đã đến độ 3 hoặc 4.

- Sa búi trĩ: Ban đầu búi trĩ sa xuông rồi có thể tự co lên được (trĩ độ 2), đến độ 3 trĩ sa xuống không tự co lên được mà phải dùng tay nhét vào mới được, khi đến độ 4 trĩ sa hoàn toàn không thể dùng tay nhét vào được nữa. Ở mức độ sa búi trĩ thì phương pháp điều trị duy nhất có thể áp dụng cho trường hợp này là phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ để chấm dứt tình trạng trĩ

Khám bệnh trĩ
Nếu bạn nghi mình bị bệnh trĩ, hãy đi khám sớm

Bên cạnh các dấu hiệu điển hình, bệnh trĩ còn xuất hiện các dấu hiệu khác như ngứa hậu môn, dịch tiết vùng hậu môn… Không phải người mắc bệnh trĩ nào cũng xuất hiện tất cả các dấu hiệu trên mà nó còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ của bệnh. Nhiều người bệnh chỉ xuất hiện từ 1 – 2 triệu chứng như không bị chảy máu khi đại tiện mà chỉ thấy đau rát và sa búi trĩ, một số khác chỉ thấy dấu hiệu đau rát hoặc chỉ bị đại tiện ra máu hoặc chỉ thấy sa búi trĩ.

2. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ

- Ngồi lâu một chỗ

Theo các nghiên cứu, có tới 73% những người thường xuyên ngồi lâu khi làm việc mắc phải bệnh trĩ. Điều này cũng mắc phải rất nhiều ở các bạn trẻ hiện nay, nhất là khi các bạn sử dụng máy tính, xem tivi, chơi điện tử… Nguyên nhân là do việc ngồi lâu một chỗ sẽ làm tăng áp lực đối với các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng, tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Không những thế, nó cũng khiến cho bệnh trĩ mắc phải sẽ nặng hơn.

Để phòng tránh căn bệnh này, các bạn nên dành ra 5 phút để thư giãn sau mỗi 1 giờ làm việc bằng cách đứng lên và vận động đi lại. Chỉ cần những hoạt động đơn giản như vươn vai nhẹ nhàng, đi lấy nước, vệ sinh… cũng có thể giúp chúng ta giảm được một nửa nguy cơ mắc phải bệnh trĩ.

- Chế độ ăn uống gây hại

Các món ăn có nhiều gia vị cay nóng, thực phẩm chiên xào, nhiều dầu mỡ hay những đồ uống có cồn như rượu, bia là các đồ ăn có thể gây nóng, làm tắc nghẽn xoang hậu môn, dẫn đến chảy máu khi đi ngoài, táo bón kinh niên và nhất là bệnh trĩ. Trường hợp này càng dễ xảy ra ở những người có vấn đề về đường ruột nhưng vẫn thường xuyên sử dụng các thực phẩm trên.

Để phòng tránh bệnh trĩ, ngoài việc hạn chế các thực phẩm có hại trên, các bạn cũng nên uống nhiều nước, bổ sung thêm nhiều trái cây tươi, rau xanh chứa nhiều chất xơ như táo, dưa hấu, các loại khoai… vào bữa ăn hàng ngày nhé!

Khoai lang
Người bị bệnh trĩ nên ăn nhiều khoai lang

- Đi vệ sinh chưa đúng cách

Thói quen đi tiêu (đại tiện) không đúng cách cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ. Các thói quen như đọc báo, chơi điện tử… khi đi tiêu sẽ khiến bạn phân tâm, làm tăng gánh nặng hậu môn, rối loạn chức năng đường ruột, thúc đẩy sự tích tụ chất thải, giảm máu tĩnh mạch ở khu vực hậu môn, về lâu dài sẽ dẫn đến bệnh trĩ.

Ngoài ra, việc làm sạch không đúng cách sau khi đi tiêu cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Các chất thải không được làm sạch hoàn toàn có thể trở thành “mảnh đất” màu mỡ tạo nên bệnh trĩ. Vì thế, cách tốt nhất là dùng nước để làm sạch sau khi đi tiêu.

- Mắc bệnh táo bón kinh niên

Đây được coi là nguyên nhân hàng đầu gây nên căn bệnh này. Táo bón kinh niên không được điều trị dứt điểm trong một thời gian dài sẽ khiến cho các cơ vùng hậu môn phải chịu áp lực rất lớn mỗi khi bạn đi ngoài. Nó khiến cho áp lực trong ổ bụng, trực tràng và ống hậu môn tăng cao, khiến tĩnh mạch bị phình, giãn, gây nên trĩ. Đồng thời, chúng ta cũng có thể bị viêm nhiễm, giãn cơ hậu môn do quá trình đi tiêu khó khăn. Điều này cũng có thể dẫn đến trĩ.