Người tiểu đường không lo cắt cụt chi nhờ các phương pháp này

Tê bì chân tay, tổn thương, nhiễm trùng, hoại tử, phải cắt cụt chi là những hệ quả của biến chứng bàn chân - một trong những biến chứng phổ biến và tàn khốc của bệnh tiểu đường. Cứ 30 giây trôi qua, thế giới lại có một người bị cắt cụt chân. Tuy nhiên, nếu biết cách, tình trạng này có thể được ngăn ngừa.

Tại sao người đái tháo đường phải cắt cụt chi?

Vấn đề ở chân ở bệnh nhân đái tháo đường xảy ra khi có các tổn thương về mạch máu. Khi đường huyết trong máu tăng cao sẽ tạo thành lớp bao phủ lên các thụ thể chuyên loại bỏ LDL-c (một loại mỡ máu xấu) tại gan, làm gan không thể loại bỏ được Cholesterol, dẫn tới tình trạng Cholesterol sẽ không ngừng tăng cao trong máu.

Thêm vào đó, khi đường huyết tăng cao, độ nhớt của máu tăng sẽ làm chậm quá trình lưu thông của máu, tăng sự lắng đọng và bám dính của tế bào mỡ vào thành mạch, tạo nên các mảng xơ vữa. Điều đó làm cho mạch máu hẹp lại, khiến cho tốc độ dẫn truyền của máu đến chân giảm đi, nhất là ở các mạch máu nhỏ.

Nếu không kiểm soát đường huyết và mỡ máu tốt sẽ tăng nguy cơ tổn thương và viêm thành mạch, lâu dần tiến triển gây viêm tắc động mạch chi. Tắc động mạch chi khiến cho các tế bào được nuôi dưỡng bởi những mạch máu này không hô hấp được sẽ chết dần, lâu ngày dẫn đến loét, hoại tử và phải cắt cụt chi.

hoại tử chân tiểu đường
Bàn chân bị hoại tử

Cách chăm sóc bàn chân như thế nào?

Người bệnh cần biết cách tự khám, chăm sóc bàn chân hàng ngày bằng cách:

  • Kiểm tra chân hàng ngày: Tìm một thời điển thích hợp (buổi tối là tốt nhất) để kiểm tra chân hàng ngày, và làm điều đó như một thói quen
  • Rửa sạch chân: Dùng xà phòng trung tính rửa sạch sẽ và kỹ lưỡng bàn chân, đặc biệt là giữa các kẽ ngón chân. Kiểm tra nước trước khi rửa chân bằng nhiệt kế đo nước hoặc nhờ người nhà kiểm tra hộ. Bôi kem dưỡng ẩm ở gót chân và bàn chân để phòng tránh những vết nứt. Không nên ngâm chân để hạn chế sự truyền dẫn vi khuẩn từ móng chân đến vết xước.
  • Cắt móng chân theo đường thẳng, không cắt ở cạnh góc móng chân. Nếu móng chân mọc quặp cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị dự phòng vết loét.
  • Không đi chân trần, kể cả trong nhà để tránh tổn thương cho chân. Nên đi tất rộng vừa phải, làm bằng sợi bông hoặc cotton mềm và lộn trái tất để đi
  • Không được chườm nóng hoặc sưởi chân, ngâm chân bằng nước nóng kể cả khi thấy tê bì hoặc lạnh chân để tránh bị bỏng hoặc tổn thương do nhiệt
  • Ngoài ra, hãy đặt chân lên cao nếu có thể. Và hãy cử động tập thể dục cho ngón chân ít nhất 5 phút từ 2-3 lần mỗi ngày.
    móng chân quặp
    móng chân mọc quặp

Làm gì để phòng tránh biến chứng nguy hại này?

Theo trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật ở Hoa Kỳ có tới 70 đến 90% bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 có rối loạn mỡ máu. Đường huyết cao kèm rối loạn mỡ máu là nguyên nhân chính gia tăng nguy cơ viêm tắc động mạch dẫn đến hoại tử chi. Tuy nhiên, biến chứng bàn chân hoàn toàn có thể ngăn ngừa được ngay từ khi chưa phát hiện các tổn thương ở chân bằng cách kiểm soát chỉ số đường máu và mỡ máu xấu ở ngưỡng an toàn để phòng tránh biến chứng.

Cần thường xuyên theo dõi chỉ số đường huyết và mỡ máu, đi khám định kỳ theo lời khuyên của bác sĩ và kiểm soát chỉ số đường huyết ở ngưỡng an toàn để làm chậm quá trình diễn tiến của biến chứng. Khi phát hiện thấy một trong các biểu hiện như đau cách hồi ở vùng bắp chân, bàn chân, đau khi đi lại, lạnh ở hai chân, ngứa và dị cảm ở da, tê chân tay… người bệnh cần đi khám ngay.