Có thể bạn đã quá quen với hình ảnh một đất nước Nhật Bản giàu có, hiện đại và hoa lệ, và vì thế chắc chắn sẽ rất bất ngờ với những hình ảnh về cuộc sống nơi góc khuất dưới đây của một đất nước thuộc hàng giàu có bậc nhất thế giới này.
Lâu nay, Nhật Bản được biết đến là “một quốc gia của những kỳ tích” ở châu Á và trên thế giới. Người Nhật có quyền tự hào về một đất nước mặt trời mọc, nơi luôn phải chịu sự tàn phá của những trận động đất kinh hoàng hay sự vắng thiếu của tài nguyên thiên nhiên; về một đất nước nổi tiếng về tính kỷ luật, nề nếp của những con người cần cù, chịu thương chịu khó đã thành công trong việc đưa một nước bại trận trong thế chiến thứ hai trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới.
Tuy nhiên, tương tự như nhiều nước lớn trên thế giới, đối diện với cuộc sống sôi động và hào nhoáng trên những khu phố sầm uất ở Nhật Bản là những góc khuất mà chính phủ nước này chẳng bao giờ muốn tiết lộ ra ngoài. Một góc khuất được nói đến trong các bức ảnh dưới đây là khu dân cư nghèo khó nhất Nhật Bản: “khu ổ chuột” Nishinari.
“Vương quốc lưu lạc” Nishinari
Nishinari là một trong 24 khu thuộc thành phố Osaka, vùng Kinki trên đảo Honshū, Nhật Bản. Nơi đây có tới hàng chục nghìn người đang sinh sống.
Nishinari được biết đến với cái tên “vương quốc lưu lạc” hay “thiên đường bãi rác”, vì đây là nơi tá túc của những người nghèo không chốn dung thân. Cư dân chủ yếu ở Nishinari là người già, người vô gia cư, thành phần thất nghiệp, tội phạm đang bị truy nã, thành viên của các băng nhóm xã hội đen, kẻ trốn nợ hay những người làm thuê tạm bợ… Những cư dân đầu tiên tới đây từ rất sớm, rồi đến cuối thế kỷ 20, dân số bắt đầu gia tăng, tạo nên một khu dân cư biệt lập trong không gian tồi tàn, cũ nát.
Hầu hết người dân ở Osaka đều ngại ngần khi đi qua Nishinari do nơi đây tập trung nhiều thành phần phức tạp. Trải qua một thời gian dài, mọi thứ ở đây dần dần xuống cấp do nhiều lý do, trong đó có cả việc thiếu sự quản lí và chăm sóc của chính quyền.
Cuộc sống đầy kinh ngạc
Có nhiều lý do dẫn đến việc cư dân Nishinari không thích đến các trung tâm cứu trợ xã hội: một là, họ đã quen với cảnh “màn trời chiếu đất”, đã thấy thoải mái với những “mái nhà” làm từ bìa cứng hay những chiếc ô hỏng; hai là, trung tâm cứu trợ xã hội không đủ chỗ chứa hết “đống tài sản” mà họ đã thu lượm được.
Nhiếp ảnh gia người Mỹ Andrew Houston đã từng đến vùng đất nghèo khó này nhiều lần để thực hiện một số bộ ảnh về một Nhật Bản theo một cách nhìn khác. Bộ ảnh dưới đây là những chia sẻ về trải nghiệm đầy kinh ngạc của ông trước cách tận hưởng cuộc sống nghèo khó của cư dân Nishinari.
Andrew Houston cho biết, mặc dù sống trong “ngôi nhà” quá đơn sơ, chỉ được làm bằng mấy tấm bìa các-tông cũ và một tấm vải bạt nhàu nát, nhưng người dân Nishinari không bao giờ quên xếp giày dép gọn gàng ở bên ngoài “cửa nhà” mỗi khi đi ngủ. Ngoài ra, họ luôn tuân thủ đúng giờ giấc sinh hoạt.
Văn hóa xếp hàng vẫn được những người lựa chọn đến trú tại các trung tâm cứu trợ xã hội duy trì một cách nề nếp. Đúng 5 giờ sáng, người dân Nishinari xếp hàng ngay ngắn đi vào trung tâm cứu trợ, không chen lấn xô đẩy. Thêm vào đó, sống trong tập thể chung, họ luôn giữ vệ sinh và cố gắng không ảnh hưởng đến không gian của người khác.