Nghề tài xế ô tô và bệnh đau vai gáy

Ngày nay, đau vai gáy là một chứng bệnh khá phổ biến trong cuộc sống. Liên quan nhiều tới yếu tố nghề nghiệp, thói quen sinh hoạt. Đặc biệt là những công việc đòi hỏi tập trung cao độ, thường xuyên ngồi một chỗ, giữ một tư thế quá lâu, hạn chế vận động hoặc phải bê vác nặng thường xuyên như lái xe, nhân viên văn phòng, công nhân khuân vác ở các bến bãi, nhà máy...

Triệu chứng chính của bệnh là đau, nhức mỏi cơ vùng cổ, vai gáy lan xuống một hoặc hai bên vai, thậm chí tê mỏi lan xuống cánh tay, cẳng tay hai bên và tới tận bàn, ngón tay. Các triệu chứng này có thể xuất hiện đột ngột hoặc tiến triển một cách từ từ tăng dần, gây cảm giác rất khó chịu cho người bệnh. Đau thường âm ỉ và kéo dài làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, sinh hoạt, hiệu quả công việc của bệnh nhân.

Nguyên nhân dẫn tới đau vai gáy ở những tài xế lái xe

Đau vai gáy do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đau vai gáy cấp có thể do gặp lạnh đột ngột, sau một đêm ngủ gối đầu cao hoặc sai tư thế, chấn thương, phải bê vác vật nặng bất thường... Đau vai gáy lâu ngày mạn tính thường do thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, ngồi lâu ở tư thế cố định trong thời gian dài...

lái xe đau vai gáy
Các anh tài xế thường bị đau vai gáy

Đối với người làm nghề lái xe, đặc biệt là lái xe đường dài, sẽ thường xuyên phải ngồi trong một tư thế cố định, tập trung cao độ và chịu nhiều rung lắc trong quá trình làm việc. Đây là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng lớn tới tình trạng đau vai gáy. Do quá trình làm việc, luôn phải trong tư thế nhìn thẳng, tập trung và hạn chế cử động vùng cổ, khi đó lượng máu tới nuôi dưỡng vùng cột sống cổ sẽ giảm đi, chính điều này lâu ngày sẽ làm cho các đốt sống cổ bị thoái hóa, vôi hóa, đồng thời hệ thống cơ, dây chằng kém được tưới máu nuôi dưỡng lâu ngày cũng dẫn tới xơ hóa và co cứng gây đau.

Khắc phục tình trạng đau vai gáy bằng cách nào?

Đau vai gáy không nguy hiểm tới tính mạng, tuy nhiên nếu không được khắc phục, điều trị kịp thời sẽ gây khó chịu, mệt mỏi cho người bệnh, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và hiệu quả trong công việc. Và với nghề lái xe, thì nó lại gián tiếp gây ảnh hưởng tới tính mạng con người. Vì vậy để hạn chế triệu chứng đau vai gáy, có thể áp dụng một số cách sau:

  • Sử dụng gối tựa đầu khi lái xe và điều chỉnh vị trí gối cho phù hợp giúp làm hạn chế những va chạm, sang chấn trong quá trình làm việc gây ảnh hưởng tới cột sống cổ và vùng chẩm. Khi lái xe, giữ thẳng lưng, nên kê thêm một gối mỏng vùng thắt lưng, điều chỉnh ghế lái thích hợp để tư thế ngồi được thoải mái, tay, vai không bị căng. Lái khoảng 2 tiếng nên nghỉ giải lao khoảng 10 -15 phút.
  • Tận dụng tối đa những khoảng thời gian xe dừng nghỉ, làm một số động tác thư giãn và tăng cường tuần hoàn giúp máu lưu thông vùng cổ vai gáy tốt hơn. Dùng hai tay đan chéo sau đầu xoa xát làm ấm vùng cổ gáy. Thực hiện một vài động tác như ưỡn cổ, cúi đầu căng hết mức sao cho cằm chạm ngực, ngửa cổ ra sau, nghiêng trái, nghiêng phải, xoay tròn theo chiều kim đồng hồ và ngược lại. Chú ý các động tác vận động làm hết sức nhẹ nhàng và từ từ. Tuyệt đối không lắc, vặn quá mạnh và đột ngột sẽ có thể gây sang chấn làm tình trạng đau tăng lên.
  • Buổi tối ngủ không nên kê gối quá cao, chỉ nên sử dụng gối mềm, cao tầm 7-10cm. Nằm thẳng, thả lỏng cơ thể, không nằm nghiêng, co quắp. Nếu có thể nên sử dụng một số loại gối có lõi bằng thảo dược như cúc hoa, ngải cứu, hương nhu... Trước khi đi ngủ nên dùng túi chườm ấm, muối sao ấm bỏ vào túi hoặc ngải cứu sao nóng bỏ vào túi chườm ấm vùng cổ vai gáy.
  • Có thể sử dụng các loại miếng dán có chứa các thành phần giúp làm nóng, giảm đau như Salonpas, Salonship...
  • Khi đau nhiều thì phải dùng thêm các thuốc giảm đau, giãn cơ hoặc áp dụng một số phương pháp vật lý trị liệu như kéo giãn cột sống cổ, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt. Trường hợp này nên đi khám Bác sĩ chuyên khoa và làm các xét nghiệm chuyên sâu như chụp X-Quang, MRI cột sống cổ để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp. Không tự mua thuốc điều trị tại nhà.

Đau vai gáy có thể phòng tránh được bằng cách điều chỉnh lối sống, thói quen sinh hoạt. Khi phát hiện bệnh nên đi khám để được tư vấn và có hướng điều trị tốt nhất, tránh để bệnh lâu ngày làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Chúc các bạn có sức khỏe tốt và có những chuyến đi an toàn.