20 - 30% dân số Việt Nam mắc bệnh gan nhiễm mỡ

Theo ước tính, có khoảng 20-30% người dân Việt Nam mắc bệnh gan nhiễm mỡ, đây là chia sẻ của PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, nguyên trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai.

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh phổ biến, không chỉ trên thế giới mà ngay cả ở Việt Nam. Bệnh gan nhiễm mỡ hiện đã trở thành vấn đề sức khỏe đáng báo động, bệnh không chỉ gặp ở những người trưởng thành, người mắc một số bệnh mạn tính mà xuất hiện cả ở đối tượng là trẻ em.

Trước đây, Việt Nam không nằm trong số các quốc gia có mối quan tâm về căn bệnh gan nhiễm mỡ, nhưng hiện nay, theo các bác sĩ, số người đến khám và phát hiện ra mắc căn bệnh này ngày một nhiều. Lý giải hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng, đó là do điều kiện sống của người dân ngày càng được cải thiện, lối sống thay đổi rất nhiều, từ đó tỷ lệ người mắc bệnh gan nhiễm mỡ ngày càng tăng lên và hiện đã đạt con số tương đối cao.

Gan nhiễm mỡ - căn bệnh của thời đại

Nếu nói căn bệnh gan nhiễm mỡ (hay gan thoái hóa mỡ) là bệnh của cuộc sống hiện đại quả không sai. Theo PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, nguyên trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Cơ cấu bệnh tật ở Việt Nam người ta thường quan tâm nhiều tới các căn bệnh gây tổn thương gan như viêm gan B , C, nhưng có một căn bệnh cũng gây tổn thương tế bào gan, làm tăng men gan như gan nhiễm mỡ”. Theo các điều tra dịch tễ không đầy đủ, ước tính có khoảng từ 20 – 30% dân số Việt Nam mắc bệnh gan nhiễm mỡ.

gan nhiễm mỡ
những người nghiện rượu thường có mức độ gan thoái hóa mỡ rất nặng, thường là độ 3 hoặc độ 4.

Lối sống ảnh hưởng rất nhiều tới căn bệnh gan nhiễm mỡ. Thói quen ăn quá nhiều chất, đặc biệt là chất béo, ăn các đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn cũng tiềm tàng nguy cơ làm gan bị tích mỡ. PGS Ngọc lưu ý, uống rượu bia, rất gây hại cho gan, đây là nguyên nhân khiến lá gan của chúng ta dễ bị ảnh hưởng nhất, là con đường ngắn nhất dẫn tới tổn thương tế bào gan. PGS Ngọc chia sẻ: “Tôi thường nói với bệnh nhân của mình rằng, uống 4 cốc bia thì bằng 1 cốc rượu. Uống rượu bia cũng gây tổn thương gan”. Theo kinh nghiệm của mình, PGS Ngọc cho biết, những người nghiện rượu thường có mức độ gan thoái hóa mỡ rất nặng, thường là độ 3 hoặc độ 4.

PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, một bác sĩ có hàng chục năm khám và điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh gan, cho hay 80% những người béo phì có gan nhiễm mỡ. Thừa cân, béo phì là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh gan nhiễm mỡ. Ngay cả trẻ em, nếu trẻ thừa cân, béo phì cũng sẽ mắc căn bệnh gan nhiễm mỡ - một bệnh trước đây được coi là căn bệnh của những người trưởng thành.

Bảo vệ lá gan – hãy làm hàng ngày

PGS.TS Trịnh Thị Ngọc khuyên, để bảo vệ lá gan, mỗi người cần có một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, không để cân nặng ngoài tầm kiểm soát vì những người càng thừa cân béo phì khả năng bị gan nhiễm mỡ càng cao. Nên duy trì cân nặng hợp lý để bảo vệ sức khỏe của lá gan, không nên uống rượu bia.

Nhiều người cho rằng uống vài cốc bia sẽ không gây hại gan, nhưng điều này hoàn toàn không đúng. Bởi dù rượu hay bia, chúng đều có các loại thức uống có cồn với nồng độ khác nhau. Nếu một người uống nhiều cốc bia cũng tương đương như uống một chút rượu. Đây là nguyên nhân dẫn tới gan nhiễm mỡ do rượu. Y học chia ra 2 loại gan nhiễm mỡ là gan nhiễm mỡ do rượu bia và gan nhiễm mỡ không do rượu. Nếu không muốn mắc bệnh gan nhiễm mỡ, tốt nhất chúng ta nên từ bỏ rượu bia, PGS Ngọc cho biết.

bệnh gan do rượu
Nếu không muốn mắc bệnh gan nhiễm mỡ, tốt nhất chúng ta nên từ bỏ rượu bia

Đối với những người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ càng cao. Cách tốt nhất người bệnh tiểu đường nên làm là cần chú ý, giữ gìn trong ăn uống, ngoài việc điều trị tiểu đường cần chú ý điều trị gan thoái hóa mỡ. Nói chung, người mắc bệnh mạn tính như tiểu đường việc can thiệp là rất khó khăn. Hay như những bệnh nhân viêm gan virus C tuýp 2, hoặc 3, cần theo dõi, kiểm tra định kỳ chức năng gan và siêu âm gan, bởi những bệnh nhân này thường mắc kèm thêm bệnh gan nhiễm mỡ. Người bệnh viêm gan C tuýp 2, 3 cần điều trị thuốc kháng virus, từ đó bệnh gan nhiễm mỡ sẽ giảm.