Bệnh viêm xoang - Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Viêm xoang là một bệnh xảy ra do viêm các xoang cạnh mũi - đa số bởi nhiễm trùng. Viêm xoang được phân loại theo cấp tính và mạn tính. Viêm xoang cấp tính thường điều trị nội khoa, còn mạn tính thì phải điều trị ngoại khoa.

Xoang là những hốc xương rỗng nằm trong khối xương sọ mặt, ở xung quanh hốc mũi và thông với hốc mũi. Ở người trưởng thành, có 5 đôi xoang được chia làm 2 nhóm.

Nhóm xoang trước gồm có: xoang sàng trước, xoang trán, xoang hàm, các xoang này được dẫn lưu qua khe giữa của hốc mũi. Xoang bị viêm sớm nhất, ngay từ lúc mới sinh là xoang sàng. Xoang hàm thường bị viêm từ lúc 4 – 5 tuổi.

Các xoang khác thường bị viêm muộn hơn. Môi trường ô nhiễm, thời tiết thay đổi, điều kiện ăn ở, nơi làm việc, hoá chất độc hại, khói, bụi, nghề nghiệp… là những yếu tố nguy cơ dễ gây viêm xoang.

Viêm xoang cấp tính theo thứ tự thường gặp là:

  1. Viêm xoang hàm.
  2. Viêm xoang sàng.
  3. Viêm xoang trán.
  4. Viêm xoang bướm.
  5. Viêm nhiều xoang một lúc.

Nguyên nhân:

Bệnh viêm xoang là một trong những căn bệnh mãn tính phổ biến và rất dễ phát sinh bệnh đặc biệt là trong điều kiện môi trường sinh hoạt hiện nay. Nguyên nhân gây ra bệnh Viêm xoang thì rất nhiều, nhưng chúng ta có thể tổng quát lại một số cái chung nhất như sau:

  1. Do môi trường xấu: Khi không khí bị ô nhiễm, bụi, khói bếp, thuốc lá, ao hồ dơ bẩn, hồ tắm không vệ sinh. Những môi trường này chứa nhiều vi khuẩn, vi khuẩn vào mũi gây viêm mũi sau đó trở thành viêm xoang...
  2. Do cơ địa dị ứng: Dị ứng hóa chất, thức ăn biển chất kéo dài làm niêm mạc mũi phù nề, gây bít tắc lỗ thông xoang, xonag bị bít tắc gây nhiễm trùng và viêm xoang.
  3. Sức đề kháng kém, cơ thể không đủ sức đề kháng chống lại vi khuẩn, suy giảm miễn dịch, suy yếu niêm mạc dường hô hấp, rối loạn hệ thần kinh thực vật. Bệnh nhân viêm xoang kèm theo viêm một số bộ phận khác.
  4. Vệ sinh kém : Không năng rửa tay, rửa mặt, không vệ sinh cá nhân đầy đủ, vi khuẩn sẽ vào mũi, gây viêm mũi, sau đó viêm xoang.
  5. Do viêm mũi sau nhiễm siêu vi (cúm, sởi…), bị bội nhiễm, viêm mũi dị ứng kéo dài hoặc do tình trạng vẹo vách ngăn. Có trường hợp viêm xoang là hậu quả của sâu răng, nhiễm trùng răng hàm trên.

Triệu chứng:

Có tất cả 4 triệu chứng chính:

1. Đau nhức: Vùng bị nhức tùy theo xoang bị viêm:

  • Xoang hàm: nhức vùng má.
  • Xoang trán: nhức giữa 2 lông mày. Có giờ nhất định, thường là 10 giờ sáng.
  • Xoang sàng trước: nhức giữa 2 mắt.
  • Xoang sàng sau, xoang bướm: nhức trong sâu, nhức vùng gáy.

2. Chảy mũi:

  • Viêm dị ứng: chảy mũi trong rất nhiều.
  • Viêm do vi khuẩn: chảy mũi đục, có khi như mủ.
  • Viêm các xoang trước, chảy ra mũi trước.
  • Viêm các xoang sau, chảy vào họng.

3. Nghẹt mũi: Đây là triệu chứng vay mượn của mũi. Có thể nghẹt 1 bên, có thể nghẹt cả 2 bên.

4. Điếc mũi:

  • Ngửi không biết mùi. Thường là viêm nặng, phù nề nhiều, mùi không len lỏi lên đến thần kinh khứu giác.
  • Viêm xoang khó phát hiện: không có các triệu chứng trên, hoặc chỉ có một triệu chứng đơn độc mà thôi. Viêm xoang dễ phát hiện: có ít nhất 3 triệu chứng trên.
  • Trường hợp đặc biệt: viêm xoang hàm do răng. Chỉ xoang hàm một bên viêm nặng mà thôi do vi khuẩn từ sâu răng đưa vào xoang. Mủ chảy vào mũi, rất hôi.

Lưu ý: Cần phân biệt với các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng. Bệnh viêm mũi dị ứng thường gây ra các triệu chứng: Ngứa mũi, hắt hơi liên tục thành tràng dài vào buổi sáng hoặc khoảng 10h tối, thường có chảy dịch mũi trong suốt, không màu và nghẹt mũi.

Điều trị:

Viêm xoang là căn bệnh rất khó chịu, gây mệt mỏi, làm giảm khả năng học tập và làm việc của người bệnh, thậm chí nếu để bệnh nặng, có thể dẫn đến một số biến chứng như: viêm phế quản mãn tính, lao phổi giả, viêm họng mạn hay viêm dây thần kinh thị giác.

Khi nhận thấy mình có dấu hiệu của bệnh viêm xoang, bạn cần đi thăm khám để được điều trị kịp thời đúng và đúng cách. Nếu được điều trị đúng sẽ cải thiện sớm và hiệu quả, nhưng đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì kiêng cữ, tuân thủ đúng liều thuốc, thời gian, cũng như lời khuyên của bác sĩ.

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh nếu là viêm mũi xoang do vi trùng. Với những trường hợp viêm mũi xoang do cảm cúm nên dùng thuốc cảm thông thường như paracetamol, chlorpheniramine, giảm đau, thuốc chống dị ứng; phun khí dung hoặc thủ thuật Proezt (súc rửa xoang) để đưa dung dịch thuốc vào xoang sàng.

Khi điều trị nội khoa bằng thuốc không bớt, bác sĩ sẽ chọc xoang hàm để rút mủ hoặc phẫu thuật để cắt polyp mũi, chỉnh hình vách ngăn, nạo xoang... Trường hợp viêm mũi xoang do răng, cần phải nhổ răng gây bệnh.

phẫu thuật viêm xoang
Khi điều trị nội khoa bằng thuốc không bớt, bác sĩ sẽ chọc xoang hàm để rút mủ

Bên cạnh chữa trị viêm xoang bằng y khoa, bệnh nhân cần áp dụng các biện pháp chữa trị hỗ trợ tại nhà đơn giản mà hiệu quả như:

  • Ăn uống đủ chất, cân bằng, nghỉ ngơi, tập luyện điều độ để cơ thể khảo mạnh và có một sức đề kháng tốt giúp cơ thể chống lại các viêm nhiễm và phục hồi nhanh chóng;
  • Uống nhiều nước: Bao gồm nước lọc, nước ép trái cây, trà thảo dược có tác dụng tốt để rửa sạch các chất nhầy vì chúng chính là nguyên nhân khiến bạn khó thở, khó chịu và mệt mỏi;
  • Xông mũi bằng tinh dầu: Nhỏ một vài giọt tinh dầu bạch đàn trong một bát nước nóng. Trùm một chiếc khăn phủ đầu bạn và cái bát, sau đó hít hơi nước bằng mũi. Điều này giúp bạn làm sạch chất nhầy và cảm thấy dễ chịu ngay;
  • Chườm ấm: Dùng khăn ấm chườm quanh mũi, mắt, đầu để giảm đau nhức và giúp chất nhầy dễ thoát hơn;
  • Súc miệng bằng dung dịch lá chanh khô: Đun sôi lá chanh khô với nước trong 10-15 phút, lọc lấy nước và dùng dung dịch này để súc miệng sẽ cho cảm giác dễ chịu.

Phòng ngừa:

Để phòng ngừa bệnh Viêm xoang hiệu quả, chúng ta cần lưu ý một số điểm sau:

  1. Đeo khẩu trang trước khi ra đường và làm công việc gặp nhiều bụi bặm. Giữ môi trường xung quanh luôn sạch sẽ, tránh xa khói bụi, chất thải, khói thuốc lá...
  2. Tránh hít luồng không khí lạnh, khô: Không nên để mũi đối diện trực tiếp với luồng gió của máy lạnh hoặc máy quạt khi nằm ngủ, hoặc khi ngồi làm việc. Máy lạnh nên để 27-28 độ là phù hợp. Những trường hợp thay đổi đột ngột từ quá nóng sang quá lạnh hoặc ngược lại đều có thể làm tổn thương niêm mạc mũi xoang. Cần giữ ấm khi đi ngoài trời lạnh, trời mưa, đặc biệt với những ai phải làm việc quá khuya hoặc dậy quá sớm vì đây là những thời điểm dễ bị cảm và chuyển thành viêm mũi xoang.
  3. Khi tắm hoặc đi bơi, nếu bị nước vào tai hoặc mũi cần biết cách để cho nước ra ngoài, ví dụ nước vào tai thi có thể nghiêng đầu nhảy để nước ra ngoài sau đó lấy tăm bông lau khô. Nếu nước vào mũi thì không được xì cả 2 mũi liền, làm như vậy nước càng dễ vào trong, hãy lấy 1 tay bịt một bên lại và xì lần lượt từng bên một, nước sẽ bị xì ra ngoài mà không gây tổn thương cho mũi. Hiện nay một số bể bơi ở thành phố vệ sinh kém khi chúng ta di tắm phải cẩn thận tránh để nước vào xoang, dễ gây viêm xoang.
  4. Vệ sinh mũi thường xuyên với dung dịch nước biển.
  5. Tránh stress: Khi làm việc quá sức, lo lắng nhiều, hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu rất dễ bị nhiễm trùng, trong đó mũi xoang dễ bị nhiễm nhất vì là cơ quan lọc không khí trước khi đưa vào cơ thể.
  6. Bệnh có thể lây lan, vì vậy không dùng chung vật dụng cá nhân với người bị viêm xoang.
  7. Khi có các triệu chứng ban đầu như hắt hơi, chảy nước mũi, tắc mũi, cần được điều trị ngay tránh trường hợp để biến thái thành bệnh viêm xoang.