Vật lý trị liệu là dùng lực cơ học trong điều trị bệnh

Chúng ta đều biết rằng uống một viên thuốc thì không sao giờ sản sinh ra lực cơ học, vì vậy đối với những bệnh lý cần phải dùng lực để tác động vào bệnh nhân thì thuốc không làm được. Ví dụ như một em bé sơ sinh bị dị tật bàn chân khoèo, uống thuốc sẽ vô dụng.

Chân của bé cần phải được nắn chỉnh. Lúc này phương pháp điều trị mà VLTL áp dụng là lực cơ học. Lực được sinh là từ bàn tay của chuyên viên VLTL. Lực này tác động lên bàn chân khoèo của trẻ để nắn chỉnh trở lại hình dạng ban đầu. Tất nhiên sau khi nắn chỉnh trẻ cũng cần đến các phương pháp, dụng cụ hỗ trợ đặc biệt khác cho cuộc điều trị được hoàn hảo.

Hãy liên tưởng đến những trường hợp bệnh lý khác mà cần phải sử dung lực cơ học để điều trị. Đó là cứng khớp. Một khớp khi bị cứng bởi bất kỳ nguyên nhân nào thì đều phải cần điều trị VLTL. Lý do đơn giản là vì khớp đó cần lực kéo nắn hỗ trợ để tăng tầm độ hoạt động của khớp sau khi bị cứng.

Lực kéo nắn trong trường hợp này được gọi là kỹ thuật di động khớp – một kỹ thuật cao của VLTL. Di động khớp sẽ làm cho một khớp bị cứng có thể cải thiện tầm độ từ đó cải thiện chức năng vận động. Và tất nhiên thuốc sẽ không làm được điều này.

chữa xương khớp
Các thiết bị phục vụ vật lý trị liệu

Cùng xem một ví dụ khác về lực cơ học trong VLTL. Chúng ta đều biết rằng trong bệnh lý thoát vị đĩa đệm thì đĩa đệm không ở vị trí bình thường. Nó có thể "nhích" ra mọi hướng. Khi "nhích" ra sau thì nguy cơ chèn ép thần kinh là nhiều nhất. Hệ quả là gây ra cơn đau.

Đứng trước một cơn đau thì tâm lý đầu tiên của người bệnh là tìm gặp bác sỹ và được cho uống thuốc giảm đau. Điều này là hoàn toàn bình thường. Một câu hỏi đặt ra là liệu thuốc giảm đau đó hoặc là có thuốc nào khác có thể làm đĩa đệm "nhích" trở lại vị trí cũ không? Vì dù sao đi nữa nguyên nhân gây đau cũng chính là từ cái sự "nhích" ấy mà ra, đã chữa thì phải chữa tận gốc rễ gây bệnh chứ.

Giá như thuốc có chân thì hay biết mấy, nó có thể "sút" đĩa đệm một cái để cho nó "nhích" lại ngay hàng thẳng lối. Đáng tiếc là thuốc không có nhiều quyền năng đến vậy, đĩa đệm vẫn yên vị tại vị trí gây đau vì chẳng có một lực nào tác động lên nó cả. Đó chính là giới hạn của thuốc.

Như đã nói, VLTL sinh ra để hoàn thiện cho y học điều trị, VLTL sẽ giải quyết những giới hạn của thuốc trong bệnh lý thoát vị đĩa đệm. Dựa trên lý luận khoa học vật lý rằng khi kéo dài một vật thì bề ngang của vật đó sẽ hẹp lại. Dễ thấy điều này nhất khi một sợi dây chun càng bị kéo căng thì nó càng nhỏ lại.

Áp dụng lực kéo này lên đĩa đệm thì kết quả cũng tương tự. Khi ta đặt lực kéo lên cột sống thì đĩa đệm cũng sẽ chịu tác động của lực kéo này. Kết quả là đĩa đệm được tăng chiều "cao" thì bề "ngang" sẽ giảm. Bề ngang đĩa đệm giảm đồng nghĩa với việc thần kinh được giảm chèn ép.

Cuối cùng nguyên nhân gây đau trong bệnh lý thoát vị đĩa đệm được giải quyết tận gốc. Đó chính là nhờ lực kéo trong VLTL.

Lực kéo nắn trong VLTL còn sử dụng trong việc khắc phục tình trạng co thắt cơ, co rút sẹo sau phẫu thuật nối thần kinh-cơ. Các sẹo dính này làm giảm chiều dài gân-cơ từ đó các khớp không thể hoạt động hết tầm độ.

Nếu không dùng lực kéo giãn gia tăng chiều dài gân cơ và làm hết dính sẹo thì bệnh nhân không thể hoạt động chức năng tối đa sau phẫu thuật. Phẫu thuật xong mà không sử dụng được thì xem như bỏ đi. Vai trò của VLTL lúc này là quyết định sự thành công của cuộc phẫu thuật xét trên phương diện chức năng của người bệnh.

Trên đây là những dạng sử dung "lực cơ học" phổ biến nhất để điều trị trong lĩnh vực VLTL. Lực có thể từ máy móc hoặc từ chuyên viên VLTL. Cần lưu ý rằng lực cơ học trong điều trị VLTL khác với lực ấn day trong bấm huyệt hoặc xoa bóp ở chỗ lực cơ học trong VLTL có cường độ, phương hướng rõ ràng tùy vào mục đích điều trị.

Hướng của lực trong VLTL được quyết định dựa trên sự tính toán của chuyên viên VLTL. Ví dụ kéo cột sống quan trọng nhất là góc kéo. Góc kéo khoảng bao nhiêu độ sẽ quyết định hướng kéo. Có hướng kéo rồi tiếp theo là cường độ của lực kéo mạnh hay nhẹ.

Điều này lý giải vì sao cũng một bệnh nhân kéo cột sống mà kéo ở nơi này thì giảm đau còn nơi khác thì đau thêm, đó là do góc kéo và lực kéo khác nhau. Từ đó có thể thấy rằng việc áp dụng lực cơ học trong điều trị VLTL không đơn giản, nó giống như việc cho thuốc phải đúng liều đúng thuốc vậy.